Nhảy đến nội dung
x

Bằng sáng chế USPTO thứ 8 của Đại học Tôn Đức Thắng

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp tiến sỹ ở Hàn Quốc trở về Việt Nam công tác tại Viện Khoa học tính toán, Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), TS. Đỗ Hoàng Thịnh nhận ra rằng một số chất thải hữu cơ có thể được xử lý để cung cấp dưỡng chất cho cây trồng.

Từ những kiến thức chuyên môn và niềm đam mê công nghệ, TS. Thịnh đã nghiên cứu mô hình trồng cây từ rác thải hữu cơ. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập TDTU (năm 2017) mô hình hệ sinh thái nhỏ khép kín với tên gọi Greentower ra đời. Hệ thống này vừa được Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO) cấp bằng sáng chế. Đây là bằng sáng chế Hoa Kỳ thứ 8 của TDTU.

Nói về ý nghĩa của sáng chế vừa được cấp bằng, TS. Đỗ Hoàng Thịnh cho biết: Việc phân loại rác và xử lý rác thải từ nguồn là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Về mặt sinh hóa, rác thải được chia làm 2 loại: rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ. Khi được phân loại riêng biệt, rác thải hữu cơ có thời gian phân hủy nhanh, quá trình xử lý đơn giản, trong khi đó rác thải vô cơ phải mất khoảng vài chục đến vài trăm năm để được phân hủy hoàn toàn. Nếu để lẫn lộn 2 loại rác trên thì rác hữu cơ sẽ chậm phân hủy, sinh ra mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường. Rác thải hữu cơ khi để lẫn với rác thải vô cơ sẽ gây khó khăn cho quá trình xử lý tái chế, tạo ra nhiều tạp chất trong sản phẩm tái chế.

Sáng chế này ứng dụng khả năng phân hủy rác thải hữu cơ của giun đất, tạo ra một quy trình xử lý rác thải hữu cơ mini khép kín, với nguyên liệu đầu vào là rác thải hữu cơ trong sinh hoạt gia đình và đầu ra chính là sản phẩm rau sạch ăn được.

Vì vậy, sáng chế này có ý nghĩa khuyến khích người dùng, đặc biệt đối với người nội trợ, tự giác phân loại và xử lý một phần rác thải ngay từ nhà của mình. Nhờ đó, quá trình xử lý rác thải sau khi thu gom về nhà máy sẽ thuận lợi hơn.

Ngoài ra, sáng chế này là một mô hình hệ sinh thái nhỏ khép kín, có thể dùng trong việc học tập – nghiên cứu của học sinh, sinh viên.

Ý tưởng về sáng chế này xuất hiện từ những quan sát thực tế. Hàng ngày, nhìn thấy có nhiều phế phẩm như vỏ củ quả, gốc rau hoặc thực phẩm đã bị hỏng, … thường được để chung vào thùng rác bỏ đi, trong khi chúng vẫn có giá trị dinh dưỡng làm thức ăn cho cây trồng sau khi được xử lý đúng cách. Với kiến thức về công nghệ, TS. Thịnh đã nghiên cứu chế tạo mô hình thật, điều khiển và giám sát được các thông số môi trường đất như nhiệt độ, độ ẩm … qua smartphone. Và mô hình Greentower ra đời.

Mô hình GreenTower có thể tự động bật tắt bơm để tưới nước khi độ ẩm trong đất dưới ngưỡng cài đặt. Buổi tối, GreenTower tự động bật sáng đèn chiếu sáng khi cần thiết. Đặc biệt, GreenTower dùng điện năng lượng mặt trời, không cần kết nối với điện lưới.

Theo TS. Đỗ Hoàng Thịnh, sáng chế này có khả năng thương mại hóa cao. Tuy nhiên, sẽ là một chặng đường dài với nhiều yếu tố quan trọng để sáng chế trở thành sản phẩm đến tay người sử dụng, trong đó có sự quan tâm hợp tác của doanh nghiệp với mục tiêu chung là bảo vệ môi trường.

tdtu

TS. Đỗ Hoàng Thịnh với Bằng sáng chế USPTO