Nhảy đến nội dung
x

Cố vấn cao cấp về khoa học của Trường đại học Tôn Đức Thắng được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm y học Úc

Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) trân trọng thông báo với thày, cô, viên chức, học viên và sinh viên Nhà trường rằng Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Cố vấn cao cấp về khoa học, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo TDTU vừa được bình bầu vào Viện hàn lâm y học Úc (Australian Academy of Health and Medical Sciences: AAHMS). Đây là một vinh dự hiếm có; một sự ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông cho y học, đặc biệt trong lĩnh vực loãng xương. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có nhiều năm gắn bó với TDTU trong những công việc như Giáo sư xuất sắc, Giám đốc Labo nghiên cứu xương và cơ, và nhiều hoạt động đa dạng khác; có đóng góp tốt cho sự phát triển bền vững của TDTU. 

1.jpg

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

 

AAHMS là viện hàn lâm đa ngành và độc lập, có 375 Fellows (viện sĩ). Những viện sĩ được bầu luôn là những nhà khoa học có đóng góp xuất sắc và thành tựu ngoại hạng trong lĩnh vực y học [AAHMS website]. Viện hàn lâm còn là một tập thể có thẩm quyền cung cấp tư vấn cho Chính phủ Úc, cho giới kỹ nghệ, và cộng đồng.   

Các viện sĩ của AAHMS là một nhóm khoa học gia được tiến cử và bình bầu bởi đồng nghiệp trong và ngoài nước, và quyết định sau cùng là thuộc Hội đồng hàn lâm viện. Quá trình tiến cử và bình bầu diễn ra trong 1 năm. Tiêu chuẩn được bầu vào hàn lâm viện là cao nhất và cạnh tranh nhất. Hàn lâm viện tuyên bố rằng họ chỉ bầu những nhà khoa học sáng giá nhất và có đóng góp quan trọng nhất. Năm nay, Hàn lâm viện y học bầu 40 nhà khoa học, trong đó có 19 người là phụ nữ. Danh sách viện sĩ bao gồm những nhà khoa học nổi tiếng như Giáo sư Ian Jacob, Hiệu trưởng Đại học New South Wales. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là người gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hàn lâm viện. 

2.jpg

Giáo sư Tuấn là một nhà khoa học hàng đầu thế giới về loãng xương. Ông điều hành một labo nghiên cứu về loãng xương tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan và một Labo khác ở TDTU. Trong gần 30 năm qua, ông đã có những đóng góp lớn cho chuyên ngành. Những đóng góp của ông gồm đánh giá và chẩn đoán loãng xương, di truyền loãng xương, và nghiên cứu về yếu tố dẫn đến loãng xương. Ông đã công bố hơn 300 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng thế giới và là một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là Phó chủ tịch Hội đồng biên tập và thẩm định (Associate Editor) của Tập san Journal of Bone and Mineral Research. Ngoài ra, ông từng Phụ trách biên tập cho tập san Osteoporosis International và Journal of Bone Densitometry. Hiện nay, ông ngồi trong Hội đồng biên tập và thẩm định của Journal of the Endocrine Society, JBMR Plus, Osteoporosis and Sarcopenia. Ông cũng thường được mời giảng ở rất nhiều hội nghị y khoa liên quan đến xương ở Hoa Kỳ, Âu châu, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, và Philippines.

Ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng có những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành loãng xương. Ông là một trong những thành viên sáng lập Hội loãng xương TPHCM năm 2005, và giữ vai trò cố vấn khoa học cho đến nay. Ông và Hội loãng xương TPHCM đã tổ chức rất nhiều khóa học cho các đồng nghiệp ở trong nước, và từng đại diện Hội loãng xương TPHCM ở các hội nghị xương quốc tế. Ông từng là Thành viên ban tổ chức Hội nghị nội tiết Á châu Lần thứ 16 tại TPHCM, thu hút hơn 1500 khách đến dự. Ông cũng là người đem hội nghị quốc tế về loãng xương và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về Việt Nam giảng dạy; cũng như giúp đem những nghiên cứu loãng xương từ Việt Nam lên trường quốc tế.  Ông chủ trì Hội nghị y-sinh học Á châu Lần thứ IV tại Đà Nẵng. Mới đây, ông được mời chủ trì Hội đồng giải thưởng Alexandre Yersin cho các nghiên cứu xuất sắc ở Việt Nam. 

Trong 20 năm qua, ông đã giúp cho nhiều đồng nghiệp hay đích thân thực hiện các nghiên cứu y khoa ở Việt Nam, và đã đóng góp hơn 50 bài báo khoa học mang danh Việt Nam trên các tập san danh tiếng trên thế giới. Những đóng góp của ông không chỉ trong chuyên ngành loãng xương và nội tiết; mà còn về chất độc da cam (Agent Orange). Ông là người Việt đầu tiên công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa chất độc da cam và dị tật bẩm sinh trên tập san y khoa quốc tế, và viết sách bằng tiếng Việt về vấn đề chất da cam. 

Ngoài nghiên cứu và thuyết giảng khắp thế giới, Giáo sư Tuấn còn có nhiều đóng góp đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Ông đã đào tạo 5 tiến sĩ cho Việt Nam và 10 tiến sĩ ở nước ngoài. Các nghiên cứu sinh do ông đào tạo đều được trao những giải thưởng quan trọng và đã thành danh ở trong cũng như ngoài nước. Với những đóng góp cho y khoa và giáo dục, ông được Ủy ban nhân dân TPHCM, Bộ ngoại giao Việt Nam, Hội y học TPHCM và Hội loãng xương TPHCM trao nhiều bằng khen và vinh danh.

Các đồng nghiệp quốc tế đánh giá Giáo sư Tuấn là một nhà khoa học thuộc nhóm "very top tier" trong y học thế giới. Một giáo sư nổi tiếng nói rằng: GS. Tuấn là một người khiêm cung, một người yêu phương pháp khoa học, một nhà giáo, một người hướng dẫn, mà những chữ nói nhẹ nhàng, duyên dáng, và rất chính xác ["Tuan is a humble man, he is a lover of the scientific method. He is an educator and mentor whose words are softly spoken, graceful and so true"].

Sự kiện Viện hàn lâm y học Úc bầu ông làm viện sĩ là một ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho chuyên ngành ở cấp độ thế giới, cũng như những đóng góp của ông cho Việt Nam. TDTU hân hạnh và may mắn có một nhà khoa học tầm cỡ như ông làm cố vấn và đồng hành trong suốt những năm qua.

Xin trân trọng chúc mừng GS. Nguyễn Văn Tuấn và TDTU