Nhảy đến nội dung
x

Tự chủ toàn diện là nhân, kết quả xếp hạng đại học là quả!

LTS: Tổ chức xếp hạng đại học thế giới theo thành tựu học thuật (University Ranking by Academic Performance: URAP) vừa công bố bảng xếp hạng các đại học theo ngành/nhóm ngành giáo dục (Field Based Ranking) năm 2020.

Theo kết quả của bảng xếp hạng này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có 10 ngành/nhóm ngành vào top 400, 500, và một số ngành từ 600-900 của thế giới.

Tất cả các ngành/nhóm ngành của Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp hạng nói trên thì đều đứng số 1 Việt Nam (trừ ngành Vật lý đứng thứ 2).

Được biết, các ngành, nhóm ngành được xếp hạng này đều là các ngành kỹ thuật – một lĩnh vực rất khó.

Trước vinh dự lớn của giáo dục đại học Việt Nam, phóng viên Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với cô Trần Thị Nguyệt Sương, Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đại học trẻ của Việt Nam; nhưng với sự quản trị đại học xuất sắc, nên dù không có ngân sách Nhà nước tài trợ chi thường xuyên và đầu tư, nhà trường vẫn phát triển rất nhanh và ngoạn mục khi đứng số 1 trong hệ thống đại học tại Việt Nam, lọt top 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới năm 2019 của ARWU và URAP năm 2020, hai bảng xếp hạng được đánh giá là khó nhất và khách quan nhất.

Cô có thể lý giải đâu là lý do mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng được đánh giá cao như vậy?

Cô Trần Thị Nguyệt Sương: Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ năm 2007 đã chủ trương phải “làm đúng ngay từ đầu”.

Từ quan điểm này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã quyết định học hỏi ngay những gì các đại học tốt nhất thế giới đã làm, đang làm; đã có và đang có...để cụ thể hóa thành kế hoạch dài hạn, trung hạn, và Mục tiêu chất lượng từng năm để triển khai thực hiện cụ thể, chi tiết.

Vì đi theo các đại học tốt nhất, nên quan điểm, tiêu chuẩn, qui trình, thủ tục vận hành và tổ chức giám sát, đánh giá, đo lường chất lượng kết quả công việc từ giáo dục đến khoa học-công nghệ và quốc tế hóa của chúng tôi tương thích ngay từ đầu với các đại học tốt nhất thế giới.

Trong giai đoạn 8 năm đầu, do vừa chạy-vừa sắp hàng với những nguồn tài nguyên (cơ sở vật chất và trang bị, nhân lực, tài lực, quan hệ doanh nghiệp, uy tín xã hội...) không sẵn có như những đại học công lập lâu đời khác, chúng tôi rất vất vả.

Nhưng sau 8 năm tập trung phát triển đúng hướng; 5 năm vừa qua là thời gian Trường Đại học Tôn Đức Thắng bắt đầu nhận lại những kết quả tốt từ quyết tâm bền bỉ của mình.

Kết quả xếp hạng này và kết quả của THE Impact của tháng qua chỉ là một trong những kết quả lớn của Trường do đã đi đúng hướng, đầu tư đúng hướng và quyết tâm đúng hướng.

tdtu

Cô Trần Thị Nguyệt Sương

Nhận định rằng “quản trị đại học xuất sắc đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát triển ngoạn mục” là đúng; và đây là nhân tố căn bản.

Thứ nhất, chúng tôi coi trọng hiệu quả công việc, giữ vững sự công bằng và nêu cao tinh thần phụng sự đất nước cho đội ngũ giảng viên, viên chức và người học. Do đó, chất lượng, hiệu quả công việc và ý thức của mọi người rất cao.

Thứ hai, vì coi “hiệu quả trên hết”, hiệu quả là thước đo chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của từng người; chúng tôi triệt để tiết kiệm, nên có đủ tài chính cho mọi kế hoạch phát triển của mình trong hoàn cảnh hoạt động không có ngân sách nhà nước lẫn bất cứ nguồn nào khác từ bên ngoài.

Một đại học tự thu-tự chi, mà nếu không tiết kiệm và quản trị hiệu quả, thì chỉ nội việc chia chác hợp pháp thôi, cũng đã sạch hết tiền thặng dư (nếu có), chưa nói đến tham nhũng.

Lúc đó, lấy cái gì và lấy ở đâu để có thể xây dựng được một đại học thành công như Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong 13 năm qua?!.

Thứ ba, mọi hành động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều hướng đến tạo ra môi trường học thuật và học tập đúng nghĩa là “đại học” cho người học.

Vì thế, chúng tôi không tập trung vào các bảng xếp hạng, chúng tôi tập trung vào chất lượng và hiệu quả tổng thể vì cái này nó là căn bản và lâu bền.

Chúng tôi tập trung vào việc giáo dục con người toàn diện để người học, người nghiên cứu từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể cạnh tranh thành công và sống, hợp tác tốt với mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Từ kết quả tổng thể này, việc được xếp hạng là thành tựu có tính “quả” từ cái “nhân” nói trên.

Xin cô cho biết cụ thể về một ngành của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được URAP đánh giá cao thì thực tế việc dạy và học ngành này ở trường Tôn Đức Thắng hiện nay như thế nào? Lộ trình nào để đưa ngành học này từ một ngành học mới trở thành một ngành học đẳng cấp thế giới và việc đó đã diễn ra như thế nào tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, thưa cô?

Cô Trần Thị Nguyệt Sương: Một trong số những ngành phát triển ấn tượng được xếp hạng lần này là ngành Kỹ thuật xây dựng (hạng 373 thế giới).

Hiện tại ngành này cũng như các ngành khác ở trường đều đã thực hiện thành công việc điều chỉnh chương trình giáo dục trên cơ sở nhập khẩu chương trình tương tự của đại học thuộc Top 100 thế giới; từ chương trình khung, đến chi tiết, tài liệu, giáo trình, các học liệu và trang bị hỗ trợ, phương pháp đánh giá và đo lường kết quả, việc thực tập, thực hành, tập sự nghề nghiệp...;

Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đều sử dụng tài liệu của các trường tiên tiến trên thế giới. Đội ngũ giảng dạy bao gồm cả giảng viên Việt Nam và giảng viên cơ hữu người nước ngoài; và đa phần là những giáo sư, chuyên gia xuất sắc.

Hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ là bắt buộc đối với giảng viên lẫn người học nhằm bảo đảm kết quả dạy-học được thấm thấu và vận dụng đúng hằng ngày.

Mạng lưới doanh nghiệp thân hữu của ngành ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác sâu về nghiên cứu, giảng dạy, hỗ trợ sinh viên, cung cấp internship và chỗ tập sự.

Nội lực về khoa học-công nghệ và mạng lưới chuyên gia của khoa/ ngành rất mạnh, đủ để có thể mỗi năm tăng trưởng 10% đến 15% về chất. Nhiều hạng mục trong đào tạo và nghiên cứu tăng 1,5 lần so với năm trước đó.

Người học hầu như chỉ học tại giảng đường khoảng 50% thời lượng; phần còn lại là học ngoài hiện trường, học tại doanh nghiệp, thực hành nghề nghiệp, tập sự chuyên viên, nghe doanh nghiệp báo cáo...;.

Từ năm thứ 2 hoặc thứ 3 trở đi, người học phải học trực tiếp từ giáo sư nước ngoài bằng tiếng Anh. Năm cuối có thể chọn đi thực tập hoặc học 1 học kỳ ở nước ngoài trong Hiệp hội đại học quốc tế mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang là Chủ tịch.

Những điều trên đã được thực hiện một cách kiên trì và lâu dài, suốt 13 năm qua. Vào năm 2007, Ngành kỹ thuật xây dựng của Khoa kỹ thuật công trình tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng hầu như không ai biết đến.

Điều tương tự cũng xảy ra với Nhóm ngành kỹ thuật điện-điện tử. Tôi đã gặp một cựu sinh viên Khóa 1 của nhóm ngành này, anh ra Trường năm 2003 (có chậm tiến độ); anh kể rằng khi có việc làm xong, anh đã phải giấu cái Bằng tốt nghiệp đi vì sợ xấu hổ khi có người hỏi học trường nào do có quá nhiều người không biết đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đại học nào!.

Nhưng như bạn thấy đấy, chỉ sau 17 năm và nhất là 10 năm gần đây, mọi việc đã thay đổi hết.

Bằng cơ chế tự chủ và sự kiên định đi theo con đường của các đại học tốt nhất thế giới, kết hợp với quản trị đại học xuất sắc, các ngành và nhóm ngành trên bây giờ đều được xếp top của thế giới; không thua kém gì các đại học công lập sừng sỏ, danh tiếng và lâu đời ở các nước tư bản phát triển; những đại học được nhà nước đầu tư không biết bao nhiêu là tiền, của. Một bức tranh tương phản với câu chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Điểm khó nhất của các trường đại học đào tạo ngành kỹ thuật là đầu tư trang thiết bị dạy học. Việc này đòi hỏi tài chính lớn. Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã làm điều ấy như thế nào? Theo cô, sinh viên được đào tạo trong môi trường ngành học đẳng cấp thế giới của trường sẽ có ưu thế cạnh tranh công việc ra sao?

Cô Trần Thị Nguyệt Sương: Với cơ chế tự chủ và sự tiết kiệm triệt để, chống lãng phí triệt để, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tự vay vốn để đầu tư từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị. Chúng tôi theo tôn chỉ: đã đầu tư, thì phải đầu tư hiện đại và tốt nhất để phục vụ nghiên cứu, dạy-học một cách chất lượng và lâu bền.

Nhờ tiết kiệm tốt, chúng tôi vay và luôn trả nợ kịp thời. Chính vì tự vay và tự trả, chúng tôi buộc các đơn vị chuyên môn phải chịu trách nhiệm khi đề xuất đầu tư.

tdtu

Ngày 09/11/2017 nhân chuyến tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Cộng hòa Canada, Justin Trudeau đã đến thăm và nói chuyện cùng giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Cụ thể, họ phải có kế hoạch sử dụng chính xác cho bất kỳ phòng lab, phòng mô phỏng nào; và tiêu chuẩn là phải chứng minh được công suất sử dụng của trang thiết bị, phòng lab, thực hành trên phải đạt tối thiểu 66% (2/3) đến 75% (3/4) tổng công suất sử dụng trong năm tùy loại trang thiết bị; cũng như cam kết sản phẩm đầu ra tương ứng với mức đầu tư.

Bằng cách này, việc đầu tư trang thiết bị dạy học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn đảm bảo hiệu quả; và do vậy, Nhà trường không ngần ngại tốn kém hoặc vay nợ khi các Khoa đề nghị đầu tư phòng lab; và ngành/khoa nào biết mình có thể bảo đảm được hiệu quả sử dụng một cách có trách nhiệm, đều rất mạnh dạn đề xuất trang bị thiết bị tốt nhất.

Đó là lý do chúng tôi có đầy đủ trang thiết bị hiện đại cho các ngành/khối ngành kỹ thuật phát triển.

Bên cạnh đó, bằng uy tín mà chúng tôi đã xây dựng được một cách kiên trì với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, chúng tôi cũng nhận được nhiều tài trợ, đồng xây dựng và khai thác nhiều phòng lab đẳng cấp quốc tế.

Nhiều tập đoàn công nghiệp của Nhật đã tài trợ các lab rất có giá trị cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong 3 năm gần đây.

Khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng có môi trường học tập đẳng cấp quốc tế và ngành/nhóm ngành học được xếp thứ hạng cao, được quốc tế công nhận, người học được hưởng lợi nhiều nhất.

Với xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa lao động phạm vi quốc tế, người học được đào tạo tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng không những sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động trong nước và toàn cầu; mà còn được người sử dụng lao động khắp nơi dễ dàng tiếp nhận; bởi khi tuyển dụng, họ chỉ cần tiến hành tìm kiếm (search) trên mạng về đại học mà sinh viên được đào tạo; là biết ngay đẳng cấp và chất lượng của đại học, của người dự tuyển.

Đó là lý do trong 3 năm qua, 100% người học từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng có việc làm, hoặc tự tạo việc làm (startup) trong vòng 1 năm sau tốt nghiệp.

Nhiều ngành đào tạo của chúng tôi cung không đủ cầu của doanh nghiệp, và rất nhiều văn bản, đơn tìm kiếm, đề nghị giới thiệu sinh viên do doanh nghiệp gửi đến Trường nhưng không có người dự tuyển.

Các ngành như công nghệ thông tin, bảo hộ lao động, xây dựng, công nghệ hóa, điện…; hầu như sinh viên đã có việc làm từ năm thứ 4; có ngành ra Trường sinh viên có lương khởi điểm vài chục triệu đồng/tháng trở lên.

Đó là chưa nói đến việc khi ngành mà sinh viên theo học được xếp hạng đẳng cấp thế giới, thì cơ hội nhận học bổng hoặc làm việc ở nước ngoài rất dễ dàng.

Giành được thứ bậc đã khó, giữ được thứ bậc càng khó hơn. Dự kiến, tới đây, nhà trường phải làm gì để phát triển hơn nữa các ngành học này?

Cô Trần Thị Nguyệt Sương: Chúng tôi không đặt mục tiêu trụ hạng, mà chúng tôi đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu không ngừng suy nghĩ, không ngừng cải tiến, đổi mới. Cũng như tự cam kết phải liên tục có cái mới hằng năm để tiến lên.

Đối với từng ngành, từng khoa và trường, chúng tôi đều đã có kế hoạch dài hạn (30 năm), trung hạn (5 năm) và ngắn hạn (hàng năm) với các mục tiêu phát triển rõ ràng; năm sau phải cao hơn năm trước cả về chất lẫn lượng.

Vì thế, ngày nào mà chúng tôi còn được quản trị như thế này, ngày nào mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn có bộ máy lãnh đạo kiên định và kiên cường đấu tranh cho điều đúng, cho sự tiến bộ như hiện nay, thì chúng tôi còn tăng hạng chứ không phải trụ hạng.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang đặt ra nhiệm vụ cho mình là phải đem về Giải Nobel đầu tiên cho Việt Nam trong vài kỳ kế hoạch tới; cũng như phải xây dựng thành công Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư, các trung tâm nghiên cứu cơ bản và vũ trụ. Chúng ta sẽ cùng chờ xem trong vài thập niên tới.

Trân trọng cảm ơn cô.

Thùy Linh

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam